ĐIỀU KIỆN GIẢM TRỪ GIA CẢNH CHO BỐ MẸ

Bố mẹ của người nộp Thuế được xem là người phụ thuộc nếu đủ các điều kiện được giảm trừ gia cảnh. Vậy điều kiện cụ thể như thế nào, hãy cùng DC tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động mà người nộp Thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, chính là người phụ thuộc của người nộp thuế.

Theo tiết d.3 điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về người phụ thuộc thì cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện sau thì được tính là người phụ thuộc:

Đối với người trong độ tuổi lao động:

  • Bị khuyết tật, không có khả năng lao động
  • Không có thu nhập/thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập ≤ 01 triệu đồng.

Đối với người ngoài độ tuổi lao động:

  • Không có thu nhập/có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập ≤ 01 triệu đồng.

 

Căn cứ khoản 2 Điều 169 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định độ tuổi lao động được xác định như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đổi với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, ngoài độ tuổi lao động năm 2023 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 56 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi 9 tháng đối với nam.

Như vậy, bố, mẹ người nộp thuế có thể là người phụ thuộc cả khi trong/ngoài độ tuổi lao động nhưng phải thỏa mãn các điều kiện tương ứng với từng trường hợp

Bài viết liên quan