6 lưu ý khi đăng kí thành lập hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh cá thể là mô hình kinh doanh đơn giản và khá phổ biến tại Việt Nam. Để đăng kí thành lập hộ kinh doanh hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh cá thể cần lưu ý 6 nội dung sau:

6 lưu ý khi đăng kí thành lập hộ kinh doanh

1. Đối tượng được phép thành lập hộ kinh doanh cá thể

Chủ thể đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình;

Các đối tượng được quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể là người Việt Nam từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Một người chỉ đứng tên cho một hộ kinh doanh xét trên phạm vi cả nước. Do vậy, trong trường hợp người này đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó, mặc dù không kinh doanh từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa tiến hành giải thể thì vẫn không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới.

2. Tên hộ kinh doanh

Tên của hộ kinh doanh sẽ gồm 2 thành tố: “Hộ kinh doanh” và tên riêng. Tuy nhiên khi tiến hành lựa chọn tên, chủ hộ cần lưu ý:

– Không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” vì dễ gây nhầm lẫn với loại hình doanh nghiệp;

– Không được trùng với tên riêng của những hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện;

– Tuyệt đối không dùng từ ngữ hay ký hiệu vi phạm đến truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3 Địa điểm lập hộ kinh doanh

Địa điểm kinh doanh là nơi hộ kinh doanh hoạt động. Một hộ có thể hoạt động tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một nơi để đăng ký và phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Nếu địa chỉ dự kiến lập hộ kinh doanh là nhà thuê, mượn nên trước khi làm thủ tục, chủ hộ phải xác minh rõ những điều sau với bên cho thuê:

– Đã có ai lập hộ kinh doanh ở đó chưa? Nếu có, hộ kinh doanh này đã được giải thể chưa?

– Giấy tờ, tài liệu xác minh hợp pháp (Ví dụ: Xác nhận của UBND quận/huyện đối với địa điểm).

Đồng thời, theo Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 và Mục I Công văn 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ Xây dựng, hộ kinh doanh không được phép thành lập tại chung cư được xây dựng cho mục đích để ở. Bên cạnh đó, không được lập hộ kinh doanh trên địa chỉ thuộc khu quy hoạch của Nhà nước.

4. Vốn điều lệ

Hiện nay, pháp luật không quy định số vốn tối thiểu hay tối đa khi đăng ký, nhưng hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản trong trường hợp hoạt động thua lỗ, nợ nần (chứ không chỉ là chịu trách nhiệm trên số vốn đã đăng ký). Hơn nữa, vốn điều lệ là một trong những yếu tố để cơ quan thuế áp dụng mức thuế tương ứng cho hộ kinh doanh. Do vậy, chủ hộ nên cân nhắc và lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp (không quá cao so với số tài sản thực có dùng để kinh doanh).

5. Ngành, nghề kinh doanh

Hộ kinh doanh được quyền đăng ký nhiều ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Muốn kinh doanh ngành nào thì chủ hộ có quyền ghi ngành nghề đó trên hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc lựa chọn mã ngành nghề muốn đăng ký nếu làm thủ tục đăng ký online.

Theo Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được lựa chọn ngành, nghề đầu tư có điều kiện kể từ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

6. Số lượng lao động

Hộ kinh doanh được sử dụng dưới 10 người lao động. Trong trường hợp, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký chuyển đổi để thành lập doanh nghiệp.

————————————————————————————————–
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được chia sẻ và tư vấn nhiều hơn
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN TÀI CHÍNH KẾ TOÁN ĐẦU XUÂN ĐỨC
[A] 40 Cù Chính Lan, Quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng
[W] https://ketoandc.com/
[E] dauxuanduc@ketoandc.com
[M] 0935 786 134

Bài viết liên quan